Centers for Disease Control and Prevention (CDC) báo cáo sẽ có khoảng 11.500 ca ung thư cổ tử cung mới được chẩn đoán tại Hoa Kỳ mỗi năm. May mắn là ung thư cổ tử cung thường có thể được phòng ngừa hoặc phát hiện sớm thông qua việc tầm soát. Đọc tiếp để tìm hiểu những thông tin cần biết về tầm soát ung thư cổ tử cung.

Tầm soát Ung thư Cổ tử cung là gì?

Tầm soát ung thư cổ tử cung là phương pháp kiểm tra những thay đổi ở tế bào trong cổ tử cung có thể chuyển biến thành ung thư. Có hai loại xét nghiệm chính:

  • Xét nghiệm Pap (dịch ở cổ tử cung): Tìm những thay đổi ở tế bào trong cổ tử cung.
  • Xét nghiệm HPV: Tìm vi rút gây u nhú ở người (HPV) có thể gây ra thay đổi ở các tế bào trong cổ tử cung.

Ai Nên Tầm soát?

Tuổi từ 21-29

  • Nên bắt đầu xét nghiệm Pap ở tuổi 21.
  • Nếu kết quả xét nghiệm Pap là bình thường, thì quý vị có thể đợi 3 năm rồi mới tiếp tục tiến hành xét nghiệm Pap.

30–65 Tuổi

CDC khuyến nghị 1 trong 3 lựa chọn sau:

  1. Xét nghiệm HPV 5 năm một lần (gọi là xét nghiệm HPV chính).
  2. Xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
  3. Xét nghiệm đồng thời HPV và xét nghiệm Pap 5 năm một lần.

Trên 65 Tuổi

Cách duy nhất để biết liệu có an toàn khi ngừng xét nghiệm sau 65 tuổi hay không là nếu quý vị đã thực hiện nhiều xét nghiệm liên tiếp trong 10 năm qua mà không phát hiện ung thư và ít nhất 1 xét nghiệm trong 5 năm qua.

  • Đối với xét nghiệm Pap, quý vị nên làm 3 xét nghiệm có kết quả bình thường liên tiếp.
  • Đối với xét nghiệm đồng thời Pap-HPV, quý vị nên làm 2 xét nghiệm có kết quả bình thường liên tiếp.
  • Để biết thêm thông tin, hãy truy cập vào cdc.gov.

Một số người trên 65 tuổi có thể cần phải tiếp tục tầm soát nếu họ:

  • Có tiền sử chịu những thay đổi nghiêm trọng do tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung.
  • Bị suy giảm hệ miễn dịch, ví dụ: những người bị nhiễm vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), cấy ghép tạng hoặc sử dụng steroid trong thời gian dài.
  • Đã tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) trước khi sinh.

Hãy trao đổi với bác sĩ chăm sóc chính của quý vị* (PCP) về tiền sử y tế và các yếu tố rủi ro của quý vị để biết quý vị nên tầm soát bằng phương pháp nào.

Tại sao Việc Tầm soát lại Quan trọng?

  • Tầm soát có thể phát hiện ra vấn đề trước khi ung thư phát triển.
  • Khi được phát hiện sớm thì quý vị có nhiều khả năng điều trị khỏi ung thư cổ tử cung.
  • Tầm soát định kỳ giúp giảm nguy cơ tử vong do ung thư cổ tử cung.

Cách để Quý vị được Tầm soát

  • Hãy trao đổi với PCP xem xét nghiệm nào là phù hợp với quý vị.
  • Quá trình tầm soát diễn ra rất nhanh và có thể được thực hiện tại buổi khám sức khỏe định kỳ.
  • SFHP bao trả cho dịch vụ tầm soát và điều trị ung thư cổ tử cung.

Đừng bỏ qua xét nghiệm sức khỏe quan trọng này. Hãy sắp xếp cuộc hẹn để tầm soát ung thư cổ tử cung ngay hôm nay. Việc tầm soát có thể cứu mạng quý vị.

*Bác sĩ chăm sóc chính (PCP) là bác sĩ, trợ lý bác sĩ hoặc y tá thực hành, là người phụ trách chăm sóc sức khỏe cho quý vị.

Trợ giúp Thêm từ SFHP

  • Dịch vụ Khách hàng: Chúng tôi có thể giải đáp những thắc mắc về phúc lợi và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quý vị. Hãy gọi số 1(415) 547-7800, 1(800) 288-5555 (miễn cước) hoặc 1(415) 547-7830 TTY. Thứ Hai đến Thứ Sáu, 8:30 sáng đến 5:30 chiều.
  • Dịch vụ Thông dịch viên: Quý vị có thể nhận thông dịch trực tiếp hoặc qua điện thoại cho buổi khám sức khỏe của mình. Khi quý vị lên lịch hẹn thì hãy yêu cầu cả thông dịch viên.
  • Quý vị có cần xe đưa đón không? SFHP có thể giúp quý vị di chuyển đến bất kỳ buổi hẹn khám nào được Medi-Cal bảo hiểm. Hãy hỏi bác sĩ của mình hoặc gọi cho Dịch vụ Khách hàng.
  • Quý vị cần hỏi về Quyền lợi Medi-Cal? Kiểm tra xem quý vị hoặc gia đình của quý vị có thể nhận Medi-Cal thông qua SFHP hay không.

Tìm hiểu thêm về các quyền lợi và dịch vụ được Medi-Cal bảo hiểm.